Sau hơn 2 tháng nhận bài dự thi từ 6 trường Đại học và trải qua Vòng Thuyết trình, Ban Giám khảo và BTC cuộc thi “Tuyển chọn Trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam 2022” đã lựa chọn được 41 mẫu thiết kế xuất sắc nhất, thể hiện được tinh thần của nữ chiến binh với những đường nét mạnh mẽ, màu sắc rực rỡ, tươi sáng nhưng vẫn mang đậm giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam.

Những thiết kế ấn tượng này sẽ được hiện thực hoá và trình diễn bởi Top 40/41 thí sinh của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2022 tại show Trang phục Dân tộc dự kiến diễn ra vào ngày 11/6 sắp tới.

Đến với cuộc thi, các đại diện của trường Đại học Văn Lang mang đến bộ sưu tập 8 thiết kế ấn tượng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả theo dõi cuộc thi. Chúng ta cùng tìm hiểu qua ý nghĩa của 8 tác phẩm:

1. Bánh Tráng Trộn Sài Gòn – Lê Quang Thắng

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ món Bánh tráng trộn được giới trẻ không chỉ ở Sài Gòn mà nhiều miền trên cả nước rất yêu thích.

Bánh tráng trộn Sài Gòn đúng chất phải làm từ miếng bánh tráng đã được phơi sương, cắt nhỏ từng sợi. Bánh sẽ được trộn chung với xoài xanh bào sợi, rau răm cắt nhuyễn, muối tôm Tây Ninh và vắt nước tắc vào. Thêm vào bịch bánh tráng một chút mỡ hành được phi thật thơm với đậu phộng, tép rang để tăng hương vị. Ngoài ra, món ăn này sẽ mất ngon nếu thiếu trứng cút và sợi khô bò khô. Thiết kế kết hợp giữa cổ kính và hiện đại, áo bà ba và món ăn hiện đại “Bánh Tráng Trộn“.

2. Bánh Tráng – Phan Xuân Giàu

Ý tưởng chủ đạo của thiết kế là bánh tráng phiên bản cổ điển, được xem là linh hồn cũng như là “Mẹ” của các món đặc sản khác như: bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, gỏi cuốn, bánh tráng phơi sương… Khi chúng ta cầm một cái bánh tráng trên tay có thể thấy những hoạ tiết đặc trưng được in trên đó, nó vừa thể hiện nét đẹp cần cù, hăng say làm việc, tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam và tôn vinh lên vẽ đẹp của làng nghề đan lát tre của người dân Việt Nam.

3. Cá Chép Hoá Rồng – Nguyễn Nhật Trường

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ Cá Chép Hoá Rồng, là hình tượng khá quen thuộc với đời sống tâm linh của người Việt Nam ta nói riêng và Châu Á nói chung. Cá chép trở thành rồng phun nước làm cho đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, tượng trưng cho sự kiên trì, cố gắng vượt khó và tần tảo của người phụ nữ cũng như của con người Việt Nam ta. Do đó, ý nghĩa cá chép hóa rồng còn thể hiện sự sung túc, ấm no, hạnh phúc, là khát vọng mà ai cũng muốn có được.

4. Chiến Thần Lạc Việt – Lương Đức Minh

Bộ trang phục sử dụng hình ảnh quen thuộc là trống đồng và chim lạc – đặc trưng của nhà nước đầu tiên của Việt Nam là Văn Lang. Qua đó thể hiện và tôn vinh vai trò của người phụ nữ ngay từ những ngày đầu tiên.

Bám sát theo chủ đề Vinawoman, tác giả muốn đem đến một hình ảnh đã bị lãng quên của người phụ nữ, họ không chỉ là người mẹ, người vợ mà còn là 1 chiến binh mạnh mẽ, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, qua đó thể hiện sự mạnh mẽ tiềm ẩn bên trong của phụ nữ Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Đôi cánh vươn lên thể hiện cho khát khao trỗi dậy, tạo thành hình chữ V đại diện cho Vinawoman và Việt Nam, mong muốn khi bất cứ người đẹp nào diện trang phục này đều tự hào hô vang tên quê hương cũng như câu nói “I am Vinawoman”.

5. Chiếu Bông – Bùi Hoàng Ân

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ nghề làm chiếu và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ khóe léo. Hình ảnh đôi chiếu bông gắn liền với hình ảnh hạnh phúc gia đình người dân Việt Nam; và hình ảnh người phụ nữ làng chiếu vác đôi chiếu bông ra chợ bán từ sớm, và chiếc áo bà ba là hình ảnh vô cùng quen thuộc của miền Tây.

6. Kim Phụng – Nguyễn Minh Triết

Phụng hoàng đã có mặt từ rất sớm trong văn hoá tín ngưỡng của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng, là linh vật cái duy nhất trong tứ linh thể hiện đức hạnh cao quý duyên dáng và thanh nhã của người phụ nữ. Với tác giả, những phẩm chất tốt đẹp áy đã là quá đủ cho một #VinaWoman.

7. Long Mạch – Võ Thành Đạt

Ý tưởng chủ đạo của bộ trang phục lấy cảm hứng từ giai thoại Hồ Con Rùa trấn yểm Long Mạch. Tương truyền, Dinh Độc lập được thầy phong thủy khen khi được xây trên long mạch. Con rồng này có đầu nằm ngay dinh Độc Lập và đuôi rồng nằm tại vị trí Công trường Quốc tế, tức Hồ con rùa như người dân vẫn quen gọi.

8. Tôm Tre Mỹ Nghệ – Nguyễn Minh Khôi

“Tôm Tre Mỹ Nghệ” là một sản phẩm thủ công độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc của người dân Việt Nam trong việc biến những thân Tre thành những con Tôm Hùm sinh động từ làng nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định.

Bộ trang phục khai thác vẻ đẹp từ hình thể, màu sắc của loài Tôm Hùm, để tôn vinh vóc dáng của phụ nữ Việt Nam hiện đại. Thiết kế muốn lan tỏa, gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công Việt Nam, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế một sản phẩm độc đáo được làm từ Tre, mang tinh thần và sức mạnh của loài Tôm Hùm, cùng sứ mệnh đại diện cho năng lượng, đầy bức phá đúng như bản lĩnh phụ nữ Việt Nam vượt qua thử thách, giới hạn để khẳng định giá trị chính mình.

Theo thể lệ cuộc thi, các thiết kế được Ban giám khảo lựa chọn dựa trên các tiêu chí về tính dân tộc, tính thẩm mỹ và yếu tố trình diễn trên sân khấu. Cả 41 mẫu thiết kế đều mang một vẻ đẹp riêng, nhưng vẫn hướng đến tôn vinh nét đẹp tự tin, hiện đại, bản lĩnh, vượt qua những giới hạn bản thân, phá vỡ những quy tắc về cái đẹp để tôn vinh giá trị chân thiện mỹ.

Dưới sự hướng dẫn của 2 Mentor: NTK Nguyễn Minh Tuấn, NTK Nguyễn Minh Công và sự giám sát, chỉ đạo của BTC, hiện tại, 41 mẫu thiết kế đã bước vào quá trình hoàn thiện, chuẩn bị cho việc trình diễn chính thức trong đêm Trang phục dân tộc, với những thiết kế độc đáo và format chương trình mới lạ, đêm diễn hứa hẹn sẽ mang đến “bữa tiệc văn hoá” vô cùng mãn nhãn, đặc sắc.

Trang phục chiến thắng sẽ được phát triển thêm ý tưởng và có cơ hội cùng Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 tham gia Miss Universe 2022.

XEM THÊM:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Vui lòng nhập các thông tin *