Vào ngày 9/5/2022, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã chính thức công bố Top 41 thiết kế trang phục dân tộc xuất sắc nhất trong khuôn khổ cuộc thi “Tuyển chọn Trang phục dân tộc Miss Universe Vietnam 2022”.

Trước đó, các sinh viên của 6 trường: gồm Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen, Đại học Kiến Trúc, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Công nghệ Sài Gòn đã hoàn thành vòng Thuyết trình trước ban giám khảo về ý nghĩa cũng như cách thức thi công các bộ trang phục từ bản vẻ đến thực tế.

Với chủ đề #VINAWOMAN, các mẫu thiết kế đều thể hiện được tinh thần của nữ chiến binh với những đường nét mạnh mẽ, màu sắc rực rỡ, tươi sáng nhưng vẫn mang đậm nét các giá trị truyền thống của hơn 4000 năm văn hoá Việt Nam.

Sau vòng Thuyết trình, Ban giám khảo đã chọn ra Top 41 mẫu thiết kế xuất sắc nhất để bước vào quá trình hoàn thiện và sẽ được trình diễn trong đêm Trang phục Dân tộc bởi Top 40 Miss Universe Vietnam 2022 vào ngày 11/6/2022 sắp tới. 

Nổi bật trong các tác phẩm mang đến buổi thiết trình có mẫu thiết kế “Chiếu Cà Mau” của tác giả Nguyễn Quốc Việt. Bộ trang phục lấy cảm hứng từ nghề làm chiếu truyền thống của người dân Cà Mau. 

Mô hình trang phục “Xe Xích lô” trong buổi thuyết trình tuyển chọn Trang phục dân tộc năm 2019

Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Quốc Việt có niềm đam mê với thiết kế các mẫu trang phục dân tộc dành cho các đại diện của Việt Nam, trước đó từng gây tiếng vang tại cuộc thi Thiết kế Trang phục dân tộc dành cho Á hậu Hoàng Thùy tại Miss Universe 2019 với bộ trang phục “Xích lô”, lọt vào Top 18 chung cuộc.

Nghề làm chiếu không chỉ là làm nên một công cụ sinh hoạt thường ngày gắn liền với đời sống người dân Việt Nam mà nó còn mang nét hồn dân tộc. Làm chiếu không chỉ là làm một vật để sử dụng mà nghề làm chiếu còn giúp chúng ta hiểu thêm về những giá trị dân gian, là tri thức và cả kinh nghiệm ông cha ta đúc kết qua hàng ngàn đời mới có được. Là một người con của Cà Mau và lớn lên cùng hình ảnh nghề làm chiếu từ ông bà Nội, tác giả muốn mang hình ảnh đẹp này đến Miss Universe Vietnam.

Thiết kế khéo léo tôn tên sự mềm mại của tà áo dài truyền thống, cùng phần tà là sự uốn lượn của nhiều lớp chiếu xếp lên nhau. Đặc thù của chiếu vốn là một chất liệu khá thô cứng nên nhà thiết kế áp dụng kỹ thuật cắt gã kết cấu, từng phần. Phần cơ động được thay thế chất liệu vải thô mộc để thể hiện liền mạnh với ý tưởng. Những vẫn đảm bảo yếu tố dễ đi và nhẹ .

Chiếu Cà Mau từ lâu đã nổi tiếng khắp “Nam Kỳ Lục Tỉnh” và cả vùng đất Sài Gòn tráng lệ, phồn hoa. Nói đến nghề dệt chiếu truyền thống ở Cà Mau, phải kể đến chiếu Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi; chiếu Tân Lộc, huyện Thới Bình; chiếu Tân Thành, thành phố Cà Mau.

“Lát Tân Thành sợi xanh sợi đỏ,

Đất Cà Mau có ngõ nguồn.

Ví dầu nắng đổ mưa tuôn

Cà Mau còn Chiếu còn thương quê mình”

Nguyên liệu để dệt ra những đôi chiếu bền, đẹp bao gồm lác (nhiều nơi còn gọi là cói), bố (nhiều nơi còn gọi là đay); phẩm màu. Để dệt ra những đôi chiếu đẹp, bền, chắc, đáp ứng nhu cầu khách hàng, người thợ cần có kinh nghiệm và khéo tay. Đối với chiếu lẫy chữ, lẫy bông, hoa văn…là khó dệt nhất.

Tác giả Nguyễn Quốc Việt trong buổi thuyết trình

Đến với làng nghề dệt chiếu Tân Duyệt, Tân Lộc, Tân Thành trong những ngày vào vụ, nhiều người sẽ rất thích thú với hình ảnh nhuộm lác, phơi lác, với những màu sắc rực rỡ đỏ, xanh, vàng, trắng được phơi đầy trong thôn xóm.

Trước đây, nghề dệt chiếu tại những làng nghề như Tân Duyệt, Tân Lộc, Tân Thành là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nông dân. Nhiều chị em phụ nữ kể lại: Hồi đó, dệt chiếu không chỉ để nuôi sống cả gia đình mà còn để sắm vàng, tức là có tích lũy, phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, nghề dệt chiếu hiện nay chỉ còn là nghề phụ của chị em phụ nữ lúc nông nhàn, hiệu quả kinh tế không cao như trước kia, chủ yếu các chị làm để duy trì và bảo tồn nghề dệt chiếu vốn có truyền thống từ lâu đời.

Ngày nay, tuy bị cạnh tranh dữ dội với những loại chiếu ngoại nhập, nhưng thương hiệu chiếu Cà Mau vẫn âm thầm, bền bỉ tồn tại và phát triển. Nghề làm chiếu vẫn luôn bền bỉ duy trì, được nhiều người sử dụng và trở thành một làng nghề truyền thống đặc sắc, đóng góp cho du lịch những giá trị văn hóa sâu sắc về đất và người Cà Mau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Vui lòng nhập các thông tin *