Clip: 8 đại diện của Việt Nam trình diễn Trang phục dân tộc trên sân khấu

Trong 8 lần tham dự Miss Grand International không bỏ trống 1 năm nào, Việt Nam đã mang đến 8 bộ trang phục dân tộc với nhiều thiết kế khác nhau từ truyền thống đến biến tấu vô cùng hiện đại.

2013 – NGUYỄN THỊ BÍCH KHANH – NTK THUẬN VIỆT

Miss Ngôi Sao 2012 – Nguyễn Thị Bích Khanh là đại diện đầu tiên của Việt Nam tại cuộc thi Miss Grand International 2013. Bích Khanh đã mang đến cuộc thi hình ảnh thân thuộc của tà áo dài duyên dáng cùng chiếc nón lá truyền thống.

Bộ áo dài của Bích Khanh được nhà thiết kế Thuận Việt may từ chất liệu lụa. Trên áo có những họa tiết hoa sen, lá sen được phác họa sống động và được thêu hoàn toàn bằng tay rất tỉ mỉ.

Nhà thiết kế Thuận Việt cho biết, anh lấy ý tưởng chủ đạo từ hoa sen. Biểu tượng hoa sen trông nhẹ nhàng, thanh tao như chính tâm hồn, vóc dáng của Bích Khanh. Nhưng, thấp thoáng đâu đó là nghị lực vượt qua mọi khó khăn. Ngoài ra, Bích Khanh còn cầm theo chiếc nón lá truyền thống khi biểu diễn trang phục dân tộc. Chiếc nón cũng được phối hợp các họa tiết sen tinh tế để hòa quyện với áo dài.



2014 – CAO THÙY LINH – NTK TUẤN HẢI

Đặc biệt, năm 2014, bộ trang phục mang tên “Áo dài Cửu Long” do Cao Thùy Linh mang đến cuộc thi Miss Grand International đã đạt được giải thưởng Trang phục dân tộc đẹp nhất – Best National Costume.

Ngoài họa tiết rồng thêu cầu kỳ, bộ trang phục của NTK Tuấn Hải có điểm nhấn khác là chiếc mấn ‘khổng lồ’, phần tà gồm chín sắc màu lộng lẫy tượng trưng cho dòng sông Cửu Long, mang ý nghĩa chín con rồng vươn ra biển lớn.

Với màu sắc chủ đạo là đỏ, đen, vàng hài hòa cùng những họa tiết rồng, trống đồng và hoa văn cung đình, áo dài được thêu đính công phu, sắc sảo; các họa tiết, đường nét đều được thực hiện tỉ mỉ bằng tay.



2015 – NGUYỄN THỊ LỆ QUYÊN – NTK VÕ VIỆT CHUNG

Đại diện của Việt Nam tại Miss Grand International 2015 là Á khôi của cuộc thi Hoa khôi Á dài Việt Nam 2014 – Nguyễn Thị Lệ Quyên. Cô mang đến cuộc thi bộ trang phục dân tộc được lấy cảm hứng từ phục trang của dân tộc Dao của NTK Võ Việt Chung.

Đặt tên bộ trang phục là “Màu Dao đỏ”, nhà thiết kế muốn mang đến một sự gắn kết về truyền thống cùng với những tinh hoa của dân tộc. “Màu Dao đỏ” thể hiện trang phục Việt Nam qua một số giai đoạn: từ dải lụa dệt họa tiết hoa trước thân áo tái hiện lại chiếc khố của người Việt cổ, được thể hiện một cách tinh tế với họa tiết hoa phảng phất hình ảnh thiên nhiên của vùng núi phía Bắc, đến chiếc yếm đào mặc với váy của người Bắc Bộ và hai sắc màu đỏ – đen của trang phục là màu sắc đặc trưng trong trang phục của người Dao.

Việc lựa chọn hình ảnh của người Dao làm ý tưởng cho trang phục còn được xem như một ẩn ý về truyền thống đoàn kết của 54 dân tộc Việt Nam. Dân tộc Dao là một dân tộc vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, là một phần của Việt Nam, một phần của văn hóa Việt.



2016 – NGUYỄN THỊ LOAN – NTK VŨ VIỆT HÀ

Tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2016, Á hậu cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam 2013 – Nguyễn Thị Loan mang đến bộ trang phục cách tân từ áo tứ thân của phụ nữ Bắc Bộ xưa, đã lọt vào Top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất.

Bộ trang phục dân tộc của Nguyễn Thị Loan được làm vỏn vẹn chỉ trong vòng 5 ngày nhưng vẫn mang đủ hồn cốt của dân tộc và đủ sức tỏa sáng tại Miss Grand International 2016. NTK Vũ Việt Hà đã đem thông điệp hòa bình, sự bình an, nhân hậu vào trong chính trang phục dân tộc do anh thiết kế. Trong trang phục cách tân áo tứ thân của Bắc Bộ cùng nón quai thao dịu dàng, NTK tập trung vào chi tiết chim bồ câu, hoa sen ẩn hiện trên tà áo để làm nổi bật thông điệp hòa bình đầy ý nghĩa và phù hợp với cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế.



2017 – NGUYỄN TRẦN HUYỀN MY – NTK NGÔ NHẬT HUY

Năm 2017, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Phú Quốc, và show trình diễn trang phục dân tộc diễn ra tại tỉnh Quảng Bình. Đại diện nước chủ nhà – Nguyễn Trần Huyền My mặc áo dài đỏ, lấy ý tưởng từ hoa văn và nghệ thuật cung đình Huế. Bộ Trang phục cũng được bình chọn vào Top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất.

Bộ trang phục dân tộc của Huyền My do Ngô Nhật Huy thiết kế, thực hiện ròng rã suốt 3 tháng với nhiều chi tiết cầu kỳ. Trang phục lấy ý tưởng hoa văn và pháp lam cung đình Huế làm chủ đạo. Hoa văn thời Nguyễn được thêu chỉ ánh vàng một cách khéo léo phối cùng chất kiệu gấm làm cho chiếc áo dài thêm kiêu sa và quý tộc.

Áo dài vẫn giữ nguyên form dáng truyền thống nhưng đuôi áo được cách tân từ trang phục trong điệu múa “Lục cúng hoa đăng” của nhã nhạc cung đình Huế. Những hoa văn mặt trời từ ống tay lấy ý tưởng từ cổng kinh thành Huế.



2018 – BÙI PHƯƠNG NGA – NTK KHÁNH SHYNA

Bộ quốc phục được Á hậu cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 – Bùi Phương Nga lựa chọn mang đến Miss Grand International 2018 có tên gọi “Ngũ Phụng Tề Phi”, có tông màu chủ đạo là màu vàng cung đình, được sử dụng với chất liệu gấm kết hợp với lụa truyền thống, mang ý tưởng về hình tượng ngũ phụng và pháp lam Huế.

Bộ trang phục đã được lựa chọn vào Top 12 Trang phục dân tộc đẹp nhất.

NTK Khánh Shyna đã thức trắng suốt 3 ngày 3 đêm để hoàn thành bộ quốc phục kể từ ngày phác thảo xong ý tưởng bởi thời gian cho Phương Nga chuẩn bị tại Miss Grand International 2018 rất gấp rút.

Bộ quốc phục Ngũ Phụng Tề Phi được lấy cảm hứng từ chim phụng, một loài chim trong tứ linh của văn hóa Phương Đông. Chim phụng là loài chim tượng trưng cho những người phụ nữ quyền quý ngày xưa với đức hạnh, duyên dáng và thanh nhã. Với hình ảnh 5 con phụng hay còn gọi là ngũ phụng còn mang ý nghĩa về những điều tốt đẹp nhất với sự mạnh mẽ, quyền lực và đầy khí chất trong văn hóa Việt Nam triều Nguyễn”.



2019 – NGUYỄN HÀ KIỀU LOAN – NTK TÍN THÁI

Năm 2019, đại diện Việt Nam – Á hậu cuộc thi Miss World Vietnam 2019 – Nguyễn Hà Kiều Loan đã có bước đột phá khi quyết định thay đổi áo dài bằng một thiết kế mới lạ mang hơi hướng giao thoa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại.

Người đẹp đã chọn tông màu chủ đạo là màu đỏ, lấy cảm hứng từ Chùa Cầu và đêm Hội An huyền diệu cho bộ trang phục dân tộc của mình.
Bộ trang phục tiếp tục lọt vào Top 10 trang phục dân tộc ấn tượng nhất.

Bộ trang phục dân tộc mang tên “Huyền đăng hội” do NTK Tín Thái thực hiện.

Hội An (Quảng Nam) là quê hương của Á hậu Kiều Loan và cũng là một trong những danh thắng nổi bật, giàu giá trị văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Bộ trang phục được đính kết bằng pha lê tạo hiệu ứng bắt sáng, cùng các chi tiết như mấn và cầu vai được xi mạ ánh vàng. Điều đặc biệt là hơn 2.000 bóng đèn led được đính vào thân áo, nhằm tái dựng hình ảnh Hội An về đêm sống động, lung linh, huyền ảo.



2020 – NGUYỄN LÊ NGỌC THẢO – NTK TÍN THÁI

Đại diện của Việt Nam tại Miss Grand International 2020 – Á hậu Nguyễn Lê Ngọc Thảo tiếp tục có sự đồng hành của NTK Tín Thái trong phần thi trang phục dân tộc với bộ trang phục mang tên “Lá ngọc cành vàng”.

Bộ trang phục lấy cảm hứng từ “Lá ngọc cành vàng”, gắn liền với ý nghĩa trong tên của nàng Á hậu. “Ngọc Thảo” được ví như một loài “Kỳ hoa dị thảo” hay có thể hiểu là một loài hoa cỏ quý báu ngọc ngà trong cung đình. Bên cạnh đó cụm từ “Lá ngọc cành vàng” còn ám chỉ người con gái có xuất thân từ chốn khuê môn cao sang, tượng trưng cho phẩm chất quyền quý và được ví với dòng dõi vua chúa. Họ Nguyễn trong tên gọi Nguyễn Lê Ngọc Thảo cũng như được tìm về cội nguồn với vương triều tổ tiên xưa, khơi gợi về một thời vàng son trong cố cung uy nghiêm Triều Nguyễn.



Chiếc mấn được cách điệu bởi hình tượng nhành cây và rừng hoa mang ý nghĩa khởi sắc và lan tỏa. Phần boots được đính bởi hàng nghìn chiếc lá óng ánh. Để thiết kế lên bộ trang phục, nhà thiết kế đã sử dụng nguyên liệu gốc và truyền thống là các cành vàng, lá ngọc mang yếu tố bắt sáng tốt trên phần cánh.

Bên cạnh đó, NTK Tín Thái còn đính kết hơn hàng trăm mảnh gương vàng, hàng nghìn mảnh kim sa và pha lê trên thân áo bodysuit để không những mang hiệu ứng ánh sáng tốt về hình ảnh, mà còn góp phần tăng hiệu ứng thị giác tại sân khấu trực tiếp. Được biết bộ quốc phục được thực hiện chỉ trong vòng 5 ngày và có sức nặng lên đến gần 30kg.

Điểm độc đáo của bộ trang phục nằm ở cây bonsai được cách điệu từ phần cánh, đây cũng một trong những nghệ thuật cây kiểng tinh tế và cao cấp kết hợp nghệ thuật kim hoàn đỉnh cao. Loài cây quý báu này còn được trưng bày trong chốn cung đình thời xưa, là biểu tượng cho cuộc sống vương giả trong gia đình hoàng tộc triều Nguyễn.

Xem lại phần trình diễn Trang phục dân tộc của các thí sinh Miss Grand International 2020

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Vui lòng nhập các thông tin *